Chữa viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt: Bài thuốc hay nên áp dụng
Nội Dung Bài Viết
Chữa viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt là mẹo trị bệnh có nguồn gốc từ dân gian. Theo ghi chép từ y học cổ truyền, mẹo chữa này có thể giảm đau nhức, sưng viêm, ôn ấm cơ thể, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải phóng ứ trệ tại ổ khớp bị tổn thương.
Tìm hiểu tác dụng chữa viêm khớp dạng thấp của lá lốt
Lá lốt là loại rau ăn khá quen thuộc với người Việt. Với vị cay nồng, mùi thơm, tính ấm, tác dụng hạ khí, ôn trung và tán hàn, thảo dược này còn được nhân dân tận dụng để trị đau bụng do lạnh, đầy hơi và ăn không tiêu. Bên cạnh đó, lá lốt còn có tác dụng chỉ thống (giảm đau) và kháng viêm nên còn được dùng trong các bài thuốc giảm đau nhức xương khớp.
Trong đó, cách chữa viêm khớp dạng thấp (viêm đa khớp) bằng lá lốt được áp dụng khá phổ biến. Theo dân gian, bài thuốc này thích hợp với người bị viêm đa khớp do phong hàn xâm nhập khiến khí huyết bất túc, kinh lạc ứ trệ mà gây ra bệnh. Lá lốt có tính ấm nên có khả năng tán phong hàn, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm viêm và đau nhức rõ rệt.
Hiện nay, cách giảm đau bằng lá lốt chưa thực sự được công nhận trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên thực tế, nhiều bệnh nhân nhận thấy cải thiện rõ rệt sau khi áp dụng bài thuốc dùng ngoài và bài thuốc uống từ thảo dược này.
Để tránh tình trạng áp dụng bài thuốc không phù hợp, bệnh nhân nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện – đặc biệt là bài thuốc uống. Bên cạnh đó trong trường hợp cần thiết, nên áp dụng đồng thời với các phương pháp Tây y để kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn tiến triển và bảo tồn mô sụn ở ổ khớp.
5 Bài thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt
Dân gian lưu truyền khá nhiều bài thuốc và mẹo điều trị viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt như dùng lá lốt chườm đắp, sắc uống, kết hợp với các dược liệu khác,… Dưới đây là 5 bài thuốc được áp dụng phổ biến nhất hiện nay.
1. Dùng bài thuốc sắc từ lá lốt tươi/ khô
Với tác dụng tán hàn (trừ lạnh), chỉ thống (giảm đau) và kháng viêm, lá lốt được dùng trong bài thuốc sắc để giảm đau nhức, cải thiện hiện tượng nóng rát và sưng viêm do viêm khớp dạng thấp gây ra. Ngoài ra, bài thuốc này còn giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, thông kinh hoạt lạc và giải phóng ứ trệ.
Bài thuốc sắc từ lá lốt không chỉ phù hợp với bệnh nhân bị viêm đa khớp mà còn thích hợp với người cao tuổi bị đau nhức xương khớp khi thời tiết chuyển lạnh. Bên cạnh bài thuốc này, bệnh nhân nên giữ ấm cơ thể, kết hợp với chườm ấm và nghỉ ngơi để cải thiện sức khỏe, phá huyết ứ và giảm đau nhức.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 5 – 10g lá lốt phơi khô hoặc dùng 15 – 30g lá lốt tươi
- Đem rửa dược liệu rồi cho vào nồi
- Sắc với nước và chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày
- Nên dùng đều đặn cho đến khi triệu chứng thuyên giảm
2. Chườm đắp lá lốt và muối biển
Ngoài bài thuốc uống, bệnh nhân cũng có thể chườm đắp lá lốt và muối biển để giảm đau nhức, tê cứng ổ khớp và hỗ trợ thúc đẩy tuần hoàn máu. Không chỉ có tác dụng sát trùng, muối biển còn có đặc tính tiêu viêm và dẫn thuốc vào kinh mạch. Vì vậy, kết hợp dược liệu này cùng với lá lốt có thể tăng hiệu quả giảm đau, sưng viêm và làm ấm khớp.
Chườm đắp lá lốt và muối biển lên vùng khớp đau nhức từ 2 – 3 lần/ ngày có thể cải thiện triệu chứng đáng kể. Hơn nữa, mẹo chữa này còn thích hợp với người bị thoái hóa khớp hoặc đau nhức xương khớp do nhiễm lạnh.
Hướng dẫn thực hiện chườm đắp lá lốt chữa viêm khớp dạng thấp:
- Chuẩn bị 1 – 2 nắm lá lốt tươi, đem rửa sạch và để ráo nước
- Sau đó cho lá lốt vào chảo, sao nóng cùng với 100g muối biển
- Sao đến khi lá lốt vàng, tỏa mùi thơm là được
- Cho tất cả vào túi vải và chườm đắp lên vùng khớp sưng đau
- Có thể sao nóng lại và chườm tiếp lên ổ khớp nếu cơn đau chưa dứt
Để tăng tác dụng giảm đau nhức, tê cứng ổ khớp và khó khăn khi vận động, người bệnh cũng có thể kết hợp lá lốt, muối biển cùng với dược liệu ngải cứu, dây đau xương, thiên niên kiện hoặc lá trầu không.
3. Bài thuốc từ lá lốt, gai tầm xoọng và thiên niên kiện
Gai tầm xoọng (quýt rừng, cam trời, độc lực,…) là vị thuốc nam quý. Theo y học cổ truyền, thảo dược này có tác dụng trừ tà, giảm đau nhức, thông kinh hoạt lạc và làm tan huyết ứ. Vì vậy, nhân dân thường sử dụng quýt rừng để chữa các bệnh xương khớp thường gặp như viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,…
Thiên niên kiện cũng là cây thuốc nam thường được dùng để chữa đau nhức xương khớp. Thảo dược này có vị cay, tính ấm, tác dụng cường gân cốt và trừ phong thấp. Ngoài ra y học hiện đại cũng đã công nhận một số công dụng của thiên niên kiện như thúc đẩy lưu thông khí huyết, chống viêm, giảm đau nhức và chống đông máu.
Kết hợp thiên niên kiện cùng với gai tầm xoọng và lá lốt giúp tăng tác dụng giảm đau, tiêu viêm và giải phóng huyết ứ ở ổ khớp tổn thương. Áp dụng bài thuốc này liên tục trong 7 – 8 ngày sẽ nhận thấy cơn đau và các triệu chứng đi kèm thuyên giảm đáng kể.
Bài thuốc chữa viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt, gai tầm xoọng và thiên niên kiện:
- Chuẩn bị thiên niên kiện 12g, gai tầm xoọng 16g và lá lốt 20g
- Đem dược liệu rửa sạch, cho vào ấm và sắc với 400ml nước
- Sắc đến khi còn 100ml thì tắt bếp, chắt lấy nước và chia thành 2 lần uống
- Mỗi ngày dùng 1 thang, sử dụng đều đặn từ 7 – 8 ngày
4. Chữa viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt và các thảo dược khác
Ngoài bài thuốc từ lá lốt, thiên niên kết và gai tầm xoọng, nhân dân còn sử dụng thảo dược này với rễ cây vòi voi, rễ bưởi bung và rễ cỏ xước. Các dược liệu được sử dụng kèm theo đều được lưu truyền có công dụng trấn thống (giảm đau), tiêu viêm và cường kiện gân cốt.
Bài thuốc từ lá lốt và các thảo dược này không chỉ thích hợp với người bị viêm đa khớp mà còn được áp dụng cho các trường hợp đau nhức xương khớp do thời tiết chuyển lạnh, lao động nặng hoặc do ảnh hưởng của tuổi tác. Tuy nhiên, cần áp dụng bài thuốc này liên tục trong 7 – 8 ngày để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị lá lốt, rễ bưởi bung, rễ cỏ xước và rễ vòi voi bằng lượng nhau
- Đem thái mỏng, sao vàng và bảo quản trong lọ kín
- Mỗi lần dùng 15g dược liệu khô (mỗi loại) sắc với 600ml nước
- Đến khi còn 200ml nước thì tắt bếp và chia thành 3 lần uống
5. Chả lá lốt trị đau nhức do viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp không chỉ gây ra các triệu chứng tại chỗ mà còn khiến cơ thể mệt mỏi, xanh xao, ăn uống kém và suy nhược. Vì vậy bên cạnh bài thuốc uống và dùng ngoài, nhân dân còn sử dụng món chả lá lốt để hỗ trợ giảm đau nhức và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Theo y học cổ truyền, thịt nạc lợn (trư nhục) có vị ngọt, mặn, tính bình, tác dụng tư âm nhuận táo. Kết hợp nguyên liệu này cùng với lá lốt giúp ôn ấm cơ thể, khu tà, bổ chính và nâng cao chính khí để loại trừ bệnh tật và tăng cường chức năng đề kháng.
Cách làm chả lá lốt trị đau nhức do viêm khớp dạng thấp:
- Chuẩn bị khoảng 20 – 30 lá lốt tươi, thịt lợn vai 30g, hạt tiêu, hành và gia vị
- Rửa sạch lá lốt, để ráo và đem 1 phần thái chỉ, 1 phần để nguyên
- Đem thịt lợn rửa sạch, xay nhuyễn và trộn với lá lốt
- Sau đó ướp tiêu, hành và gia vị
- Dùng lá lốt cuộn phần thịt đã được ướp gia vị và đem chiên đến khi chín là được
- Dùng chả lá lốt ăn với cơm hoặc bún 2 – 3 lần/ tuần
Chữa viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt có hiệu quả không?
Cách chữa viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt có thể giảm nhẹ một số triệu chứng như đau nhức khớp, tê bì, nóng rát, sưng viêm,… Ngoài ra, thảo dược này còn có tác dụng ôn ấm cơ thể, trừ phong hàn, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải phóng ứ trệ ở kinh lạc.
Tuy nhiên trên thực tế, mẹo dùng lá lốt điều trị viêm khớp dạng thấp chưa thực sự được công nhận trên cơ sở khoa học. Hầu hết các mẹo chữa từ thảo dược này đều được lưu truyền và áp dụng trong phạm vi nhân dân.
Hơn nữa, hiệu quả của cách chữa từ lá lốt còn phụ thuộc vào cơ địa. Do đó, một số ít trường hợp có thể không nhận thấy bất cứ cải thiện nào khi áp dụng mẹo chữa này. Chính vì vậy, bệnh nhân không nên quá phụ thuộc vào các biện pháp điều trị từ thảo dược và cần tham vấn y khoa trước khi thực hiện.
Lạm dụng hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào cách chữa viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt có thể làm gián đoạn quá trình điều trị, khiến ổ khớp bị tổn thương nặng và làm giảm chức năng vận động đáng kể. Vì vậy nếu áp dụng phương pháp này, cần kết hợp đồng thời với thuốc Tây và các biện pháp y tế để kiểm soát tiến triển của bệnh, bảo tồn sụn khớp và chức năng vận động.
Lưu ý khi dùng lá lốt trị viêm khớp dạng thấp
Lá lốt là cây thuốc nam quen thuộc, có độ an toàn cao và hầu như không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm khi sử dụng. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế rủi ro phát sinh, bệnh nhân cần lưu ý một số thông tin sau:
- Cách chữa viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt chưa được y học hiện đại công nhận về tính hiệu quả. Vì vậy, nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng cách chữa này.
- Nên kết hợp mẹo chữa từ thảo dược cùng với các phương pháp y tế để kiểm soát tiến triển và triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên trước khi kết hợp, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tình trạng tương tác thuốc.
- Viêm khớp dạng thấp là bệnh xương khớp mãn tính và hiện nay chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Để kiểm soát bệnh, cần kết hợp giữa các phương pháp điều trị với lối sống khoa học và lành mạnh.
- Không dùng bài thuốc từ lá lốt nếu đang bị nóng trong người, nhiệt miệng hoặc táo bón.
- Ngưng áp dụng cách chữa viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt nếu xuất hiện các triệu chứng dị ứng như tiêu chảy, đau bụng, nổi mề đay, phát ban, ngứa ngáy,…
Bài viết đã hướng dẫn một số cách chữa viêm khớp dạng thấp bằng lá lốt được lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên trước khi áp dụng, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về tính hiệu quả, cân chỉnh liều lượng và thời gian sử dụng phù hợp. Tự ý áp dụng có thể không đem lại hiệu quả như mong đợi hoặc thậm chí gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!