Cách tắm, vệ sinh cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn đúng cách
Nội Dung Bài Viết
Hầu hết các bậc phụ huynh đều lo lắng về việc tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn. Bởi nếu vệ sinh không đúng cách, trẻ có thể bị hạ thân nhiệt đột ngột và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Để hỗ trợ phụ huynh trong việc chăm sóc con trẻ, bài viết đã tổng hợp những thông tin hữu ích về vấn đề vệ sinh cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn trong nội dung sau.
Khi nào có thể tắm cho bé sơ sinh chưa rụng rốn?
Dây rốn là cơ quan vận chuyển dinh dưỡng từ mẹ bầu đến thai nhi. Sau khi sinh, dây rốn sẽ tồn tại trên cơ thể bé trong khoảng 8 – 10 ngày, sau đó khô dần và rụng hoàn toàn sau 15 ngày. Tuy nhiên, thời gian rụng rốn cũng có thể lâu hơn tùy vào cơ địa của từng bé (tình trạng này được xem là bình thường trong trường hợp dây rốn khô, không có mùi hôi và không có biểu hiện nhiễm trùng).
Sau khi sinh khoảng 1 – 2 ngày, hộ lý của bệnh viện sẽ tiến hành tắm cho trẻ sơ sinh. Khi trở về nhà, phụ huynh có thể tự vệ sinh cho con trẻ. Trong trường hợp trẻ sơ sinh chưa rụng rốn, phụ huynh chỉ nên tắm cho trẻ 2 – 3 lần/ tuần để hạn chế tình trạng nhiễm trùng và trẻ giảm thân nhiệt quá mức. Khi dây rốn rụng hoàn toàn, mẹ cũng có thể tắm cho trẻ hằng ngày hoặc tắm 2 – 3 lần/ tuần nếu sinh sống trong khí hậu lạnh, khô.
Hướng dẫn tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn đúng cách
Rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng trẻ có thể nhiễm trùng dây rốn nếu vệ sinh không đúng cách. Để hạn chế tối đa tình trạng này, phụ huynh nên tắm cho bé theo đúng trình tự sau.
1. Chuẩn bị trước khi tắm
Để quá trình tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn diễn ra thuận lợi, phụ huynh nên chuẩn bị:
- Nhiệt kế: Sử dụng để đo nước tắm cho trẻ. Theo các chuyên gia, nước tắm cho trẻ sơ sinh phải có nhiệt độ từ 35 – 36 độ C và 37 độ nếu sinh sống trong khí hậu lạnh, khô.
- Khăn tắm: Nên chuẩn bị 3 chiếc khăn sữa để tắm cho trẻ và 2 chiếc khăn lớn. Một chiếc dùng để lót cho trẻ sau khi tắm xong và 1 chiếc dùng để lau khô cơ thể trẻ.
- Quần áo: Chuẩn bị sẵn quần áo cho trẻ, bao gồm cả bao tay, bao chân và mũ để tránh tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh sau khi tắm.
- Chậu tắm: Mẹ nên chuẩn bị 1 chậu tắm có kích thước vừa phải, một chiếc dùng để tắm và một chiếc dùng để tráng lại.
- Một số vật dụng khác: Sữa tắm để vệ sinh đầu và toàn thân; Nước muối sinh lý để làm sạch tai và mũi; Dung dịch vệ sinh cuống rốn hoặc miếng cồn y tế 70 độ
Khi trời lạnh, mẹ nên bật máy sưởi trước khi tắm 15 – 30 phút để tránh tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh. Ngoài ra để tránh gây khó chịu cho trẻ sơ sinh, nên dùng máy sấy tóc để làm ấm khăn tắm và quần áo trước khi mặc.
2. Tiến hành tắm cho trẻ
Ngoài những thứ cần chuẩn bị, phụ huynh cần rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi tắm cho trẻ để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm. Sau đó, pha nước tắm cho bé với nhiệt độ từ 35 – 37 độ C tùy vào thời tiết và thêm sữa tắm vào nước tắm.
Cuối cùng, tiến hành tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn theo những bước sau:
Bước 1: Làm sạch mặt với khăn sữa
- Cởi bỏ tã, quần áo cho trẻ và dùng khăn bông quấn xung quanh người bé.
- Sau đó dùng khăn sữa thấm nước tắm, vắt khô và lau nhẹ nhàng vùng mặt cho trẻ (nên lau từ mắt trên má, trán và vành tai)
Bước 2: Gội đầu cho trẻ
- Sau khi đã làm sạch da mặt, thoa sữa tắm lên da đầu của trẻ và massage nhẹ nhàng trong 30 – 50 giây
- Sau đó, dùng khăn sữa thấm nước và làm sạch hết xà phòng
- Khi xà phòng đã được làm sạch hoàn toàn, dùng khăn sữa để lau khô đầu cho bé
Bước 3: Tắm cơ thể cho bé
- Đặt trẻ nằm trong chậu nước và dùng tay đỡ phần cổ và đầu cho bé
- Tay còn lại vệ sinh các vùng da trên cơ thể của trẻ như khe mông, vùng da dưới cánh tay, cổ, bẹn, kẽ ngón tay và ngón chân
- Sau đó xoay người trẻ và làm sạch vùng da ở lưng
- Khi đã làm sạch hoàn toàn, phụ huynh cho trẻ tráng lại bằng nước ấm đã chuẩn bị từ trước và đặt bé lên khăn bông, thấm bớt nước, sau đó dùng khăn sạch đã chuẩn bị để lau khô và quấn xung quanh người bé
Bước 4: Vệ sinh cuống rốn
- Sau khi đã lau khô người trẻ hoàn toàn, mẹ nên mặc bỉm cho trẻ (tránh để bỉm ma sát lên dây rốn)
- Sử dụng bông gòn sạch đặt nhẹ nhàng lên dây rốn để thấm hút toàn bộ lượng nước bám vào rốn
- Dùng tăm bông thấm vào dung dịch cồn 70 độ và lau xung quanh chân rốn (chỉ lau 1 lần duy nhất)
- Sau đó, tiếp tục dùng tăm bông mới thấm cồn và lau chân rốn thêm 1 lần nữa
Bước 5: Vệ sinh mắt, mũi và tai
- Khi đã vệ sinh cuống rốn, mẹ cho trẻ mặc quần áo hoàn chỉnh và đặt trẻ nằm để chuẩn bị vệ sinh mắt, mũi và tai
- Sử dụng tăm bông thấm dung dịch NaCl 0.9% làm sạch xung quanh vành tai, tuyệt đối không vệ sinh bên trong lỗ tai như người lớn
- Nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mắt, mỗi bên 1 giọt. Nếu thời tiết lạnh, nên xoa chai nước muối sinh lý trong lòng bàn tay khoảng 10 giây để làm ấm dung dịch và giảm cảm giác khó chịu cho trẻ. Khi nhỏ, không để đầu thuốc tiếp xúc trực tiếp với mắt của bé
- Thực hiện tương tự với mũi
Khi tắm cho trẻ, mẹ nên thực hiện nhẹ nhàng và nhanh gọn. Thời gian tắm cho bé chỉ nên kéo dài 5 – 6 phút và tránh tắm quá 10 phút vì có thể khiến thân nhiệt của trẻ giảm mạnh. Phụ huynh nên cho trẻ tắm vào ban ngày hoặc buổi chiều muộn và tắm sau khi ăn 30 – 40 phút.
Lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn
Trẻ sơ sinh chưa rụng rốn dễ bị nhiễm trùng do dây rốn chưa khô hoàn toàn và hệ miễn dịch còn non kém. Vì vậy khi vệ sinh cơ thể cho trẻ, phụ huynh nên lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
- Chỉ tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn 2 – 3 lần/ tuần hoặc tắm cách ngày. Tuyệt đối không tắm hằng ngày vì trẻ có thể bị hạ thân nhiệt và tăng nguy cơ viêm nhiễm dây rốn.
- Tắm cho bé sau khi ăn khoảng 30 phút và chỉ tắm trong 5 – 6 phút.
- Để hạn chế viêm nhiễm dây rốn, mẹ nên để dây rốn khô hoàn toàn trước khi phủ quần áo lên.
- Theo các chuyên gian, phụ huynh chỉ nên vệ sinh dây rốn bằng cồn 70 độ và nên hạn chế băng rốn sau khi tắm. Tình trạng này có thể khiến dây rốn lâu khô và rụng muộn hơn so với thời gian bình thường.
- Chỉ tắm cho trẻ bằng nước ấm và sữa tắm chuyên dụng. Tuyệt đối không tắm cho trẻ sơ sinh bằng các loại lá cây theo kinh nghiệm dân gian.
- Mẹ nên mặc tã cho trẻ ở dưới phần dây rốn để giảm ma sát lên vùng da này. Ngoài ra, tình trạng tã giấy che phủ dây rốn có thể gây hầm bí và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Nếu nhận thấy dây rốn của trẻ bị viêm đỏ, ứ mủ và có mùi hôi, phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin về cách tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn. Hy vọng qua bài viết, phụ huynh có thể dễ dàng vệ sinh cho con trẻ đúng cách và hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm cuống rốn. Nếu nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, nên thông báo với bác sĩ trong thời gian sớm nhất để được tư vấn và hỗ trợ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!