Mẹ bị dọa sảy thai nên ăn gì để phôi thai bám chắc vào tử cung?
Nội Dung Bài Viết
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học là một trong những biện pháp cải thiện tình trạng dọa sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. Biện pháp này giúp phôi thai phát triển khỏe mạnh, bám chắc vào niêm mạc tử cung và phục hồi sức khỏe của mẹ bầu. Để dễ dàng xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, bà bầu có thể tham khảo thông tin về vấn đề Bị dọa sảy thai nên ăn gì, kiêng gì trong bài viết sau.
Mẹ bị dọa sảy thai nên ăn gì?
Dọa sảy thai là tình trạng đau bụng nhẹ và ra huyết nhưng bào thai vẫn còn trong buồng tử cung. Tình trạng này thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ, vì phôi thai chưa bám chắc vào niêm mạc nên dễ bị bong ra khi có tác động nội sinh và ngoại sinh.
Dọa sảy thai là hệ quả do sức khỏe của mẹ bầu yếu, làm việc quá sức, chế độ dinh dưỡng kiêng khem quá mức dẫn đến suy nhược và thai yếu. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra do va chạm mạnh, té ngã, niêm mạc tử cung quá mỏng (bẩm sinh, sử dụng thuốc tránh thai 1 lần thường xuyên hoặc đã từng nạo phá thai trước đó).
Nguy cơ dọa sảy thai có xu hướng tăng lên nếu mang thai sau 35 tuổi và mẹ bầu mắc các bệnh lý như bệnh thận mãn tính, mất cân bằng nội tiết, suy tim, sốt cao và một số bệnh liên quan đến tử cung như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang.
Dọa sảy thai là dấu hiệu cảnh báo hư hai (sảy thai). Do đó, mẹ bầu nên thực hiện các biện pháp xử lý để phôi thai bám chắc vào tử cung. Theo các bác sĩ bên cạnh việc nghỉ ngơi và giữ tâm lý thoải mái, mẹ bầu nên bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh để phôi thai khỏe mạnh và phát triển ổn định.
Mẹ bầu bị dọa sảy thai nên ăn các loại thực phẩm sau:
1. Cá chép – Thực phẩm giàu dinh dưỡng và có tác dụng an thai
Cá chép (lý ngư) là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho mẹ bầu – đặc biệt là những mẹ bầu có dấu hiệu dọa sảy thai. Thịt cá chép dày, béo, dai dai và có mùi thơm nhẹ nên rất dễ ăn, ít gây buồn nôn và khó chịu. Hơn nữa, loại thực phẩm này còn chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, đa dạng và phong phú. Trung bình 100g cá chép cung cấp đến 23g đạm, 162 calories, vitamin A, C, canxi, sắt, ariginine, chất béo, axit glutamic, glycine,…
Theo dân gian, cá chép không chỉ bổ dưỡng mà còn có tác dụng an thai, thông sữa, tiêu phù, lợi tiểu, chữa ho và điều trị các bệnh về gan thận. Các món ăn từ cá chép thường được bổ sung vào 3 tháng đầu thai kỳ để giúp phôi thai khỏe mạnh và tăng khẳ năng bám vào niêm mạc tử cung.
Bên cạnh đó với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, các món ăn từ cá chép còn cung cấp năng lượng cho mẹ bầu, giảm tình trạng mệt mỏi, suy nhược và cải thiện các triệu chứng ốm nghén. Một số món ăn từ cá chép tốt cho phụ nữ mang thai bao gồm cháo cá chép, canh cá chép, cá chép hấp,…
2. Nước mía tốt cho mẹ bầu bị dọa sảy thai
Nước mía là thức uống cung cấp nhiều loại khoáng chất và vitamin thiết yếu như sắt, canxi, magie, vitamin A, vitamin nhóm B và vitamin C. Ngoài ra, thức uống này còn cung cấp cho cơ thể phytonutrients và nguồn chất xơ hòa tan dồi dào. Do đó, mẹ bầu bị dọa sảy thai nên bổ sung 1 ly nước mía (200 – 250ml) mỗi ngày để cải thiện sức khỏe, giảm suy nhược và tăng khả năng bám của phôi thai.
Nước mía không chỉ chứa nhiều năng lượng mà còn có khả năng cải thiện miễn dịch, đẩy lùi chứng ốm nghén, ổn định cân nặng và giảm thiểu các vấn đề về da trong thai kỳ. Bên cạnh đó, vitamin B9 trong thức uống này còn giúp giảm thiểu nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi và thúc đẩy bào thai phát triển hoàn chỉnh.
Mặc dù đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của mẹ bầu nhưng nước mía chứa hàm lượng đường khá cao. Vì vậy, phụ nữ mang thai chỉ nên bổ sung nước mía với hàm lượng vừa phải. Trong trường hợp bị tiểu đường, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung thức uống này.
3. Thịt gà – Thực phẩm tốt cho mẹ bầu bị dọa sảy thai
Thịt gà là loại thực phẩm quen thuộc và được ưa chuộng vì chứa hàm lượng đạm cao, chất béo thấp và hầu như không gây tăng cân như các loại thịt đỏ. Không chỉ cung cấp nhiều đạm, thịt gà còn chứa nhiều khoáng chất, vitamin và axit amin tốt cho sức khỏe của phụ nữ mang thai.
Bổ sung các món ăn từ thịt gà giúp mẹ bầu giảm mệt mỏi, suy nhược và cải thiện chức năng đề kháng. Bên cạnh đó, dinh dưỡng trong loại thực phẩm này còn giúp cải thiện sức khỏe của phôi thai và tăng khả năng bám vào niêm mạc tử cung. Do đó, mẹ bầu bị dọa sảy thai nên bổ sung các món ăn từ thịt gà vào chế độ dinh dưỡng.
Theo kinh nghiệm từ dân gian, thịt gà (kê nhục) có vị ngọt, tính ôn, không độc, tác dụng điều hòa tỳ vị, bồi bổ sức khỏe và trừ khí độc. Các món ăn từ thịt gà không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn hỗ trợ cải thiện một số vấn đề sức khỏe thường gặp như ăn uống khó tiêu, suy nhược, thiếu máu, ho nhiều, mất ngủ,…
Mẹ bầu có thể cải thiện sức khỏe và tăng khả năng bám của phôi thai vào niêm mạc tử cung qua các món ăn như cháo gà, gà hầm rau củ và nấm, gà luộc, gà hấp, xíu mại thịt gà, ức gà áp chảo,… Đối với mẹ bầu bị suy nhược nặng, có thể hầm gà với các vị thuốc Đông y có tác dụng an thai và bổ khí huyết.
4. Các món ăn từ hạt sen
Hạt sen là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và đem lại nhiều công dụng tốt. Ngoài ra, thảo dược này còn được sử dụng như vị thuốc dưỡng thai, an thần và bồi bổ sức khỏe. Các món ăn từ hạt sen đem lại nhiều lợi ích đối với mẹ bầu và thai nhi – đặc biệt là mẹ bị dọa sảy thai và có sức khỏe yếu, suy nhược.
Hạt sen chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào và đa dạng như protein, mangan, phốt pho, canxi, kali, natri, axit amin, chất chống oxy hóa, vitamin B, sắt,… Thành phần dinh dưỡng trong loại thực phẩm này giúp bồi bổ sức khỏe cho mẹ bầu, phòng ngừa suy nhược, thiếu máu và giảm nguy cơ bị tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ. Đồng thời giúp phôi thai khỏe mạnh, ổn định và hạn chế tối đa tình trạng dọa sảy thai, hư thai.
Không chỉ giúp phôi thai bám chắc vào buồng tử cung, các món ăn từ hạt sen còn giúp mẹ bầu ngủ ngon giấc, giảm căng thẳng, mệt mỏi, ngăn ngừa tiêu chảy, kiểm soát cân nặng và cải thiện sức khỏe làn da. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tránh ăn quá nhiều hạt sen vì có thể gây khó tiêu, táo bón, tăng lượng đường trong máu,…
Nếu không có nhiều thời gian, mẹ bầu có thể sử dụng hạt sen sấy khô, trà hạt sen hoặc chè hạt sen đậu xanh để bồi bổ sức khỏe. Hoặc có thể thực hiện các món ăn từ hạt sen như canh gà hầm hạt sen, cháo hạt sen,…
5. Các món ăn từ củ gai giúp an thai, phòng ngừa dọa sảy thai
Củ gai là vị thuốc quý có tác dụng an thai và bồi bổ sức khỏe. Các món ăn từ củ gai giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng dọa sảy thai, thai chết lưu và hư thai. Ngoài ra, món ăn từ thảo dược này còn giúp bồi bổ sức khỏe, giảm mệt mỏi và cải thiện các triệu chứng ốm nghén.
Mẹ bầu có thể dùng củ gai sắc nước uống hoặc cắt nhỏ hầm với thịt gà, chân giò để cải thiện sức khỏe, chống suy nhược và tăng cường sức khỏe của phôi thai. Bên cạnh lợi ích đối với thai nhi, các món ăn từ củ gai còn giúp mẹ bầu giảm nguy cơ mắc các bệnh đường tiết niệu và phụ khoa trong suốt thai kỳ.
6. Mẹ bầu bị dọa sảy thai nên dùng mật ong
Mật ong là loại thực phẩm chứa nhiều khoáng chất, vitamin, axit amin và chất chống oxy hóa dồi dào. Mẹ bầu bổ sung 1 ly trà mật ấm hằng ngày có thể cung cấp đầy đủ cho cơ thể các thành phần dinh dưỡng thiết yếu, nâng cao chức năng đề kháng, thúc đẩy vết thương nhanh lành và hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trong thời gian đầu mang thai.
Hơn nữa, mật ong còn giúp cải thiện sức khỏe làn da, hỗ trợ phòng ngừa thiếu máu, cao huyết áp và giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, loại thực phẩm này còn có tác dụng nuôi dưỡng phôi thai và tăng độ bám lên niêm mạc tử cung. Chính vì vậy, mẹ bầu bị dọa sảy thai nên uống một ly trà mật ong ấm vào mỗi buổi sáng hoặc dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể thêm mật ong vào các loại thức uống và món ăn để bổ sung thêm dưỡng chất cho cơ thể. Tuy nhiên để đảm bảo giá trị dinh dưỡng, mẹ bầu nên sử dụng mật ong nguyên chất và chỉ dùng khoảng 5 thìa cà phê mật ong mỗi ngày.
7. Các loại sữa tốt cho mẹ bầu bị dọa sảy thai
Sữa là nguồn cung cấp canxi, vitamin D và các khoáng chất cần thiết đối với cơ thể mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, sữa còn chứa nhiều năng lượng giúp mẹ bầu giảm mệt mỏi, suy nhược và thiếu máu do ảnh hưởng của chứng ốm nghén trong thời gian đầu mới mang thai.
Thông thường sau khi bị dọa sảy thai, nhiều mẹ bầu không thể ăn uống do tâm lý căng thẳng và ảnh hưởng của chứng ốm nghén. Trong trường hợp này, thai phụ nên bổ sung 2 ly sữa (250ml) vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ để cơ thể có đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng.
Ngoài sữa bò, mẹ bầu cũng có thể bổ sung các loại sữa có nguồn gốc từ thực vật như sữa đậu nành, sữa bắp, sữa yến mạch, sữa óc chó và sữa hạnh nhân. Các loại sữa hạt có khả năng dung nạp và tiêu hóa tốt hơn so với sữa có nguồn gốc từ động vật. Hơn nữa ngoài canxi, vitamin D và đạm, các loại sữa hạt còn chứa nhiều axit béo không bão hòa và chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể.
Ngoài những loại thực phẩm có khả năng an thai nói trên, mẹ bầu cũng nên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể qua các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, ngũ cốc, sữa chua, cá, thịt, trứng, đậu, nấm,….
Bị dọa sảy thai nên kiêng ăn gì?
Dọa sảy thai là dấu hiệu cho thấy phôi thai yếu và bám không chắc vào niêm mạc tử cung. Bên cạnh các loại thực phẩm có tác dụng an thai và bồi bổ sức khỏe, mẹ bầu nên tránh các loại thực phẩm có thể gây co bóp tử cung và tăng nguy cơ hư thai (sảy thai).
Mẹ bầu bị dọa sảy thai nên kiêng cử các loại thực phẩm sau:
- Chất kích thích: Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng chất kích thích như cà phê, trà chứa caffeine, thuốc lá, rượu bia và thức uống chứa cồn trong suốt thai kỳ. Cồn và các chất độc hại có thể khiến mẹ bầu suy nhược, thai nhi kém phát triển và tăng nguy cơ sảy thai.
- Đu đủ xanh: Các enzyme trong đu đủ xanh có thể kích thích tử cung co bóp mạnh, gây dọa sảy thai và hư thai. Vì vậy, mẹ bầu nên tránh sử dụng loại thực phẩm này. Thay vào đó, có thể dùng đu đủ chín để ngừa táo bón, bổ sung chất dinh dưỡng cho thai nhi và lợi sữa.
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo, gia vị: Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, gia vị có thể khiến mẹ bầu tăng cân nhanh và gây ra tình trạng cao huyết áp. Lượng chất béo dư thừa trong các loại thực phẩm này có thể bám vào mạch máu, từ đó làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến thai, dẫn đến dọa sảy thai, động thai và hư thai.
- Món ăn sống, tái: Các món ăn chưa được nấu chín hoàn toàn có chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng gây hại. Các tác nhân có hại này có thể gây viêm nhiễm đường ruột và kích thích tử cung co bóp quá mức dẫn đến dọa sảy thai và hư thai. Ngoài ra, một số loại hại khuẩn còn có thể gây bị tật bẩm sinh, trẻ sinh ra nhẹ cân, yếu ớt và sức khỏe kém.
- Nha đam: Nha đam chứa nhiều nước, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, loại thực phẩm này có thể gây co bóp tử cung dẫn đến xuất huyết và sảy thai. Vì vậy, mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ – đặc biệt là người đã bị dọa sảy thai nên tránh sử dụng các món ăn và thức uống từ nha đam.
- Cá chứa hàm lượng thủy ngân cao: Mẹ bầu bị dọa sảy thai nên tránh dùng các loại cá sinh sống ở những tầng nước sâu như cá kiếm, cá ngừ đại dương và cá mập. Lý do là vì các loại cá này chứa hàm lượng thủy ngân cao. Bà bầu sử dụng thực phẩm chứa thủy ngân có thể gây dị tật ở hệ tiêu hóa, thần kinh, phổi, mắt, da và hệ thống miễn dịch của thai nhi.
Một số vấn đề mẹ bầu cần lưu ý khi bị dọa sảy thai
Dọa sảy thai là tình trạng tương đối phổ biến trong 3 tháng đầu thai kỳ do phôi thai chưa ổn định và tâm lý của mẹ bị ảnh hưởng khá nhiều. Vì vậy khi gặp phải tình trạng, thai phụ không nên lo lắng và suy nghĩ quá mức. Thay vào đó nên thực hiện một số biện pháp sau để giúp phôi thai bám chắc vào niêm mạc tử cung:
- Nên dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và giảm khối lượng công việc. Làm việc căng thẳng và quá sức vào những tháng đầu thai kỳ có thể khiến phôi thai yếu và dễ bị bong ra khỏi niêm mạc tử cung.
- Yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Vì vậy khi bị dọa sảy thai, mẹ bầu không nên quá căng thẳng hay lo âu. Thay vào đó, nên giữ tâm lý lạc quan và ổn định.
- Tránh quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu thai kỳ – đặc biệt là khi bị dọa sảy thai. Đồng thời mẹ bầu nên tránh các hoạt động mạnh như chạy bộ, cầu lông, gym, lao động quá sức, mang vác nặng,… để tránh gây áp lực lên tử cung và giúp phôi thai ổn định.
- Không xoa bụng, bầu ngực,… khi bị dọa sảy thai và ít nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ. Những hành động này có thể kích thích tử cung co bóp quá mức và tăng nguy cơ sảy thai (hư thai).
- Mẹ bầu nên thăm khám thai định kỳ trong suốt thai kỳ để được theo dõi sức khỏe và tư vấn hướng xử lý khi bị dọa sảy thai.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Bị dọa sảy thai nên ăn gì để phôi thai bám chắc vào buồng tử cung?” và đề cập một số vấn đề cần lưu ý để thai nhi phát triển ổn định. Tuy nhiên để được tư vấn cụ thể hơn, mẹ bầu nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!