Mầm sống: Mất kết nối với con cái, Cha Mẹ cần làm gì
Nội Dung Bài Viết
Cuộc sống xô bồ khiến chúng ta cuốn theo nhịp sống vội vàng hối hả, cha mẹ bận rộn với guồng quay công việc, con cái quay cuồng trong lịch học vội vã. Sự kết nối giữa cha mẹ với con cái dần đứt đoạn, không còn sự cảm thông, sẻ chia, thấu hiểu. Thực trạng này cũng được phản ánh rõ trong phim ngắn “Mầm sống – Liệu chúng ta có đang yêu thương con đúng cách?” của Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC trên youtube. Một video ngắn, ý nghĩa được nhiều phụ huynh quan tâm và chia sẻ.
Thực trạng Cha Mẹ mất kết nối với con cái
Mất kết nối giữa cha mẹ với con cái là một thực trạng đáng buồn trong xã hội hiện nay. Khi mà những người thân thuộc nhất với nhau lại không thể thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và giao tiếp cùng nhau.
Khoảng cách vô hình trong gia đình hiện đại
Có rất nhiều gia đình, cha mẹ mải miết bận rộn với công việc. Sáng sớm hối hả đưa con đến trường, chiều lại vội vàng đón con, đưa con đi học thêm, không có thời gian hỏi han, trò chuyện cùng con.
Đôi lúc con muốn chơi cùng cha mẹ, muốn kể cho mẹ nghe chuyện bạn bè trường lớp, nhưng chỉ nhận lại lời đáp qua loa lấy lệ. Thậm chí còn đưa cho con chiếc điện thoại, máy tính, đuổi con ra ngoài chơi để mẹ làm việc.
Dễ thấy nhất là trong video mầm sống, bố mẹ mải miết với công việc, ngay cả thời gian ăn sáng cùng con cũng không có. Những bữa cơm “lạnh tanh” không có hơi ấm gia đình, không ai đồng hành cùng con đến trường, không ai cùng con vui chơi. Đến sinh nhật con cũng phải trải qua một mình.
Nhịp sống hiện đại, những lo toan thường ngày khiến cha mẹ ít đi sự quan tâm chia sẻ với con cái. Thay vì quây quần bên nhau, trò chuyện rôm rả thì mỗi người mỗi chiếc điện thoại, mỗi người một thế giới.
Điều này vô tình tạo khoảng cách giữa con cái và cha mẹ. Cha mẹ trách móc con không biết nỗ lực cố gắng, không nhìn thấy mồ hôi, nước mắt của mình. Con cái lại oán trách cha mẹ chỉ biết đến công việc, chưa bao giờ tôn trọng ý kiến của con. Thế nhưng ngay cả việc trò chuyện giao tiếp cũng không có thì làm sao chúng ta có thể hiểu và cảm thông cho nhau.
Áp lực học tập lấy mất tuổi thơ con
Sự mất kết nối của cha mẹ với con cái không chỉ liên quan đến nhịp sống hiện đại mà còn đến từ áp lực học tập của trẻ. Chương trình học tập nặng, điểm số không còn là thước đo để đánh giá năng lực của trẻ.
Ngoài kết quả học tập tốt, trẻ còn cần phải giỏi nhiều ngoại ngữ khác nhau, am hiểu công nghệ, sở hữu các tài năng đặc biệt và phải thể hiện sự năng động, tích cực của thế hệ trẻ.
Trẻ ở độ tuổi nào cũng chịu áp lực học tập. Nhiều trẻ đã được sắp xếp chương trình học tập từ 2 – 3 tuổi, ngoài việc học tập tại trường còn phải tham gia các lớp năng khiếu, giao tiếp do cha mẹ sắp xếp.
Con đến trường với tâm trạng mệt mỏi, uể oải, con về nhà với trạng thái chán nản. Khi cha mẹ muốn hỏi về tình hình học tập, con cũng chỉ trả lời qua loa, thậm chí cáu gắt khi vì đã tích tụ quá nhiều cảm xúc tiêu cực.
Mở mắt ra là đi học, tối về vẫn tiếp tục học, ngay cả cuối tuần cũng không được nghỉ ngơi. Nếu không học thì sẽ không theo kịp bạn bè, không thể cạnh tranh các “suất học” ở những ngôi trường tên tuổi, danh tiếng. Con không có thời gian nghỉ ngơi thì làm sao có thể kết nối với cha mẹ. Rất nhiều phụ huynh hiểu rõ tình trạng này nhưng loay hoay mãi cũng không biết nên gỡ rối như thế nào.
Mầm sống cần được kết nối và thấu hiểu
Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình là nguồn lực quan trọng, cần thiết trong quá trình phát triển của con trẻ. Mầm sống cần được chăm sóc, chăm bón thì mới khỏe mạnh, tươi tốt. Con trẻ được cha mẹ yêu thương, quan tâm, thấu hiểu thì mới mạnh mẽ, vững vàng trước khó khăn, sóng gió, gặt hái thành tựu trong tương lai.
Sự kết nối giúp con trở thành một đứa trẻ hạnh phúc
Sự mất kết nối diễn ra từng ngày, từng giờ, khoảng cách giữa các thế hệ càng ngày càng lớn. Sự quan tâm, thấu hiểu của chúng ta cũng vì thế mà dần mất đi. Một đứa trẻ không được quan tâm, chăm sóc đầy đủ sẽ dễ lệch lạc trong quá trình phát triển nhân cách.
Đứa trẻ bất hạnh có thể thiếu thốn về vật chất, thiếu thốn về tinh thần hoặc thiếu thốn cả hai. Sự thiếu thốn về mặt tinh thần đôi khi còn nghiêm trọng hơn sự thiếu thốn về vật chất. Một đứa trẻ tổn thương có thể sẽ phải dành cả đời để chữa lành tuổi thơ bất hạnh.
Do đó, để giúp con trở thành một đứa trẻ hạnh phúc, cha mẹ không chỉ cần quan tâm đến sự phát triển trí tuệ mà còn chú trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Trẻ rất cần được kết nối đúng cách với cha mẹ.
Là điểm tựa tinh thần để con vượt qua khó khăn, thử thách
Ngoài tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, trẻ cũng cần được cha mẹ tôn trọng và thấu hiểu. Tình cảm cần được vun đắp, bồi dưỡng mỗi ngày, không phải tự nhiên mà có. Tình cảm, sự kết nối giữa cha mẹ và con cái cũng cần được xây dựng trên nền tảng của sự yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu.
Trẻ được cha mẹ yêu thương, cảm thông, thấu hiểu, sẽ có nền tảng tinh thần vững chắc. Con hiểu được mình là đứa trẻ được quan tâm, yêu thương, từ đó sẽ mạnh mẽ hơn khi đương đầu với thử thách, áp lực, dễ dàng vượt qua khó khăn, trắc trở.
Giúp con định hình hành vi và nhân cách
Cha mẹ cần thường xuyên giao tiếp để thấu hiểu con cái. Nên nhu cầu, ý kiến của trẻ thay vì áp đặt suy nghĩ, lựa chọn của bản thân và bắt trẻ tuân theo. Đồng thời cũng cần cho con thấy được những khó khăn, vất vả của cha mẹ, không bao bọc quá mức, đáp ứng trẻ vô điều kiện, tuy nhiên cần tránh kể lể, để không khiến trẻ phản cảm.
Trẻ hiểu được khó khăn của cha mẹ, hiểu được hoàn cảnh bản thân, được yêu thương sẽ học được cách yêu thương, đối xử với người khác. Cha mẹ chính là những người đầu tiên truyền đạt các giá trị sống, giá trị đạo đức, là tấm gương để con cái noi theo.
Cách giúp Cha Mẹ kết nối với con cái
Việc kết nối với con cái cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Ngay từ khi con là một đứa trẻ, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, chia sẻ cùng con. Trẻ càng lớn, thế giới của con càng rộng, việc kết nối và làm bạn với con sẽ càng khó.
Làm bạn và dành thời gian cho con
Làm cha mẹ trong xã hội hiện đại không phải là điều đơn giản. Mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, không thể áp dụng cách giáo dục trẻ này lên trẻ khác. Vì thế, trong quá trình giáo dục con trẻ, để hiểu con, kết nối được với con, trước hết chúng ta phải làm bạn và dành thời gian cho con.
Dù bận bịu đến mấy cũng cần dành hẳn một ngày nghỉ mỗi tuần để bên con, cùng con đi đây đi đó, nạp năng lượng chuẩn bị cho tuần mới. Việc nấu ăn, vui chơi, tập thể dục hay đồng hành cùng con làm những điều con thích sẽ giúp cha mẹ “chạm” được vào trái tim của trẻ. Từ đó dễ dàng kết nối, giao tiếp, hiểu được điều con mong muốn.
Hãy xem trẻ là một người bạn đồng hành, dành cho trẻ sự yêu thương, tôn trọng. Cha mẹ yêu thương con không phải để được con yêu thương mà là để giúp con biết yêu chính mình. Đừng vết nứt xuất hiện mới vội vàng tìm kiếm cách cứu chữa.
Thời gian cho gia đình là vô giá, tiền có thể kiếm nhưng con rồi sẽ lớn, sẽ chẳng còn những ngày con kề cận, quấn quýt lấy cha mẹ. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mà bạn lựa chọn và dành thời gian cho con.
Lắng nghe và chia sẻ chân thành
Sự tương tác hai chiều rất cần thiết trong việc kết nối, làm bạn với con. Việc lắng nghe và chia sẻ cần được thực hiện cả bởi cha mẹ và con cái. Đừng cho con chiếc điện thoại rồi xua đuổi con vào một góc để bản thân được yên tĩnh làm việc, được lướt điện thoại, chìm đắm vào thế giới của riêng mình.
Thứ nhất, lắng nghe con một cách chân thành. Khi trẻ tìm đến cha mẹ, nghĩa là con đang cần chỗ dựa tinh thần, mong muốn được lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông. Lúc này, nên gác công việc, lắng nghe con một cách chăm chú và cân nhắc khi đưa ra câu trả lời. Cần phải giữ thái độ tích cực khi trò chuyện cùng con, dù bận bịu, cũng không nên bảo ngắt lời, bảo trẻ rằng cha mẹ sẽ nói chuyện với con sau.
Thứ hai, không chỉ trích, chê bai khi con mắc sai lầm. Ai cũng sẽ đôi lần sai lầm, vấp ngã, kể cả khi con thông minh, được giáo dục tử tế. Khi con mắc sai lầm, nên bình tĩnh cùng trẻ tìm ra nguyên nhân, giúp trẻ nhận ra bài học và đưa ra giải pháp khắc phục.
Thứ ba, khen ngợi và ghi nhận sự cố gắng của con. Khi con đạt được thành tích tốt hoặc làm được điều tốt, cần biết khen ngợi để con được động viên khích lệ. Việc khen ngợi sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin và dũng cảm theo đuổi ước mơ.
Cho con quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm
Con trẻ muốn được quan tâm yêu thương nhưng cũng khát vọng được tự do, tự lập. Trẻ cần được rèn luyện cách sống tự lập, không phụ thuộc vào người khác để trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Để hình thành tư duy tự lập và khả năng tự chịu trách nhiệm, cha mẹ cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến, suy nghĩ của trẻ. Không nên nuông chiều, bọc bảo trẻ quá mức hay bắt ép trẻ phải tuân theo mệnh lệnh của cha mẹ vì cho rằng mình đang làm những điều tốt nhất cho con.
Trước hết, cần định hướng tương lai của trẻ dựa vào nhu cầu, mong muốn và khả năng của con. Cho con quyền tự quyết trước những bước ngoặc lớn như thi chuyển cấp, lựa chọn ngành học. Thể hiện rằng mình luôn sẵn sàng hỗ trợ khi trẻ cần được tư vấn.
Không tạo áp lực và đặt kỳ vọng thái quá lên vai trẻ
Sự kỳ vọng của cha mẹ xuất phát từ tình thương, từ mong muốn con được hạnh phúc, có cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Tuy nhiên, kỳ vọng và áp lực giống như con dao hai lưỡi, dùng đúng sẽ khiến trẻ được tôi luyện, trở thành bệ phóng để con vươn đến thành công, chinh phục ước mơ.
Thế nhưng, không ít trường hợp, kỳ vọng và áp lực lại vô tình trở thành gánh nặng tâm lý, bóp nghẹt tinh thần con trẻ, khiến con tổn thương nặng nề. Áp lực càng lớn khiến trẻ không ngừng nỗ lực để đạt được kỳ vọng của cha mẹ thay vì khám phá, thấu hiểu bản thân.
Vì thế, tốt nhất ba mẹ không nên đặt nặng áp lực và kỳ vọng lên vai trẻ. Ba mẹ hoàn toàn có thể kỳ vọng ở con cái, nhưng sự kỳ vọng cần đi kèm sự thấu hiểu, kết nối. Không nên khiến con cảm thấy bí bách, áp lực.
Mất kết nối với con cái là một vấn đề nghiêm trọng, dễ tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Nếu vẫn còn loay hoay trong việc tìm cách chữa lành tổn thương cho con, cha mẹ có thể tham gia các chương trình hỗ trợ cha mẹ quản lý cảm xúc và đồng hành cùng con để biết cách kết nối, hỗ trợ con phát triển.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!