Bệnh trĩ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết & điều trị
Nội Dung Bài Viết
Bệnh trĩ là một trong những vấn đề thường gặp nhất ở vùng trực tràng – hậu môn. Bệnh thường xảy ra ở người thừa cân – béo phì, người có chế độ ăn ít chất xơ, lười vận động, hay có thói quen nhịn đại tiện,… Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng bệnh lý này có thể gây ra nhiều phiền phức và trở ngại trong đời sống sinh hoạt.
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ (lòi dom) là bệnh lý phổ biến nhất ở đường tiêu hóa dưới. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng giãn đám rối tĩnh mạch ở khu vực trực tràng – hậu môn.
Thông thường, đám rối tĩnh mạch (bao gồm tĩnh mạch, tiểu động mạch, cơ trơn, mô liên kết,…) được nâng đỡ bởi cấu trúc mô sợi có tính đàn hồi cao. Tuy nhiên khi chịu áp lực trong thời gian dài, đám rối tĩnh mạch có thể bị phình giãn, ứ máu và tạo thành các búi trĩ.
Bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ và người trưởng thành nhưng ảnh hưởng chủ yếu đến người trong độ tuổi trung niên, người cao tuổi và phụ nữ mang thai. Bệnh trĩ không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây suy nhược cơ thể và làm giảm sức khỏe tổng thể.
Phân loại bệnh trĩ
Hiện nay, bệnh trĩ được phân loại dựa vào vị trí giải phẫu và mức độ sa.
1. Phân loại theo vị trí giải phẫu
Dựa vào vị trí xuất hiện, bệnh trĩ được chia thành các loại sau:
- Trĩ nội: Trĩ nội là tình trạng phình giãn tĩnh mạch xảy ra bên trong trực tràng (chân búi trĩ ở trên đường lược và niêm mạc tuyến trực tràng phủ lên búi trĩ).
- Trĩ ngoại: Trĩ ngoại xảy ra khi chân búi trĩ nằm bên dưới đường lược và được phủ bởi da ống hậu môn. So với trĩ nội, trĩ ngoại phát sinh triệu chứng rõ rệt và có thể dễ dàng nhận biết trong giai đoạn đầu.
- Trĩ hỗn hợp: Là trường hợp bị cùng lúc cả trĩ nội và trĩ ngoại.
2. Phân loại theo mức độ sa
Dựa vào mức độ sa, bệnh trĩ được chia thành 4 cấp độ như sau:
- Trĩ độ 1: Trĩ độ 1 là giai đoạn bệnh mới khởi phát, búi trĩ xuất hiện bên trong ống hậu môn và có xu hướng cương to khi đại tiện nhưng chưa lòi ra khỏi hậu môn. Trong giai đoạn này, búi trĩ thường chảy máu – đặc biệt là sau khi rặn.
- Trĩ độ 2: Ở giai đoạn này, các búi trĩ bắt đầu phát triển thành các búi rõ rệt và có xu hướng lòi ra khỏi hậu môn khi đại tiện. Tuy nhiên ở tư thế bình thường, búi trĩ có thể tự co vào mà không cần tác động.
- Trĩ độ 3: Là tình trạng búi trĩ phát triển to, lòi ra bên ngoài khi rặn hoặc vận động mạnh. Tuy nhiên khác với độ 2, búi trĩ ở độ 3 không tự co vào mà bắt buộc phải dùng tay đẩy/ nhét. Ở giai đoạn này thường xuất hiện thêm búi trĩ phụ, kèm theo hiện tượng chảy máu hậu môn kéo dài và gây thiếu máu.
- Trĩ độ 4: Búi trĩ chính phát triển lớn kèm theo các búi trĩ phụ, thường xuyên sa ra ngoài ống hậu môn. Các búi trĩ có thể liên kết tạo thành vòng trĩ, chảy máu kéo dài và gây thiếu máu mãn tính.
Nguyên nhân gây bệnh trĩ thường gặp
Tăng áp lực tĩnh mạch là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lý này. Tình trạng này kéo dài khiến đám rối tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn bị giãn, gây ứ huyết và hình thành búi trĩ.
Các yếu tố làm tăng áp lực lên vùng tĩnh mạch hậu môn – trực tràng, bao gồm:
- Táo bón – tiêu chảy mãn tính: Táo bón và tiêu chảy mãn tính là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh trĩ và các bệnh lý ở đường tiêu hóa dưới. Các bệnh lý này khiến tĩnh mạch ở hậu môn – trực tràng bị ma sát trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng phình giãn và ứ máu.
- Thừa cân – béo phì: Thống kê cho thấy, phần lớn người bị trĩ đều có chỉ số BMI cao (chỉ số cân nặng). Theo lý giải từ các chuyên gia, cân nặng quá mức làm tăng áp lực lên hệ thống cơ trơn ở hậu môn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
- Thói quen ít vận động: Ít vận động không chỉ là nguyên nhân gây ra các bệnh xương khớp mà còn là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa. Thói quen này có thể gây thừa cân – béo phì và làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở vùng trực tràng.
- Chế độ ăn ít chất xơ: Chế độ ăn ít chất xơ là nguyên nhân trực tiếp gây ra chứng táo bón và là nguyên nhân gián tiếp gây bệnh lòi dòm. Ngoài chức năng giảm lượng mỡ tích tụ, chất xơ còn có tác dụng tăng thể tích và làm mềm phân, từ đó làm giảm áp lực trong quá trình đại tiện. Thói quen ăn ít chất xơ có thể khiến phân khô cứng, tăng ma sát lên vùng niêm mạc hậu môn – trực tràng và khiến tĩnh mạch ở khu vực này bị phình giãn.
- Thói quen nhịn đại tiện: Thông thường, phân được lưu trữ ở đại tràng (ruột già) và được đào thải qua trực tràng, hậu môn một cách dễ dàng. Tuy nhiên nếu nhịn đại tiện, ruột già sẽ hấp thu nước trong phân khiến phân khô cứng, dễ gây táo bón và làm tăng áp lực lên tĩnh mạch.
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, bệnh trĩ cũng có thể khởi phát do lao động nặng, giao hợp qua đường hậu môn, mang thai, nhiễm khuẩn hậu môn – trực tràng nhiều lần,…
Ngoài các nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ mắc bệnh trĩ có thể tăng lên nếu có các yếu tố rủi ro như:
- Yếu tố chủng tộc và địa lý: Người Do Thái, Bắc Phi và cư dân vùng Địa Trung Hải có nguy cơ bị bệnh trĩ cao hơn các tộc người khác.
- Mắc các bệnh chuyển hóa: Như bệnh gút, tiểu đường, huyết áp cao,…
- Yếu tố di truyền
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học: Ăn uống quá mức, lạm dụng rượu bia, cà phê và sử dụng quá nhiều gia vị.
- Ảnh hưởng của các hiện tượng sinh lý: Mang thai, sau khi sinh, hành kinh và rối loạn nội tiết.
Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ
Triệu chứng điển hình của bệnh trĩ là đại tiện ra máu, khó chịu, đau rát ở hậu môn,… Mức độ của các triệu chứng này phụ thuộc vào giai đoạn phát triển và khả năng chống chịu của từng cá thể.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ, bao gồm:
- Đại tiện ra máu (máu thường có màu đỏ tươi, chảy thành tia hoặc chảy nhỏ giọt ở cuối bãi phân).
- Ở những trường hợp nặng, búi trĩ có thể chảy máu khi va chạm nhẹ hoặc gắng sức
- Tình trạng chảy máu kéo dài dễ dẫn đến chứng thiếu máu (ghi nhận cho thấy có đến 34.5% bệnh nhân bị thiếu máu và 96.9% trường hợp chảy máu hậu môn)
- Vùng hậu môn khó chịu và đau rát – đặc biệt là sau khi đại tiện
- Theo thời gian, búi trĩ phát triển lớn và sa ra ngoài ống hậu môn khi đại tiện, ngồi xổm lâu hoặc sau khi đi bộ.
- Búi trĩ có thể co và thụt lại trong ống hậu môn ở giai đoạn đầu nhưng sau đó có thể sa ra ngoài thường xuyên và chỉ thụt vào trong khi sử dụng tay
Bệnh trĩ có nguy hiểm không?
Bệnh trĩ ít gây nguy hiểm đến sức khỏe và hầu như không đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên bệnh gây ra nhiều phiền phức và trở ngại trong đời sống sinh hoạt, từ đó ảnh hưởng đến hiệu suất học tập, làm việc và tác động tiêu cực đến tâm sinh lý của bệnh nhân.
Nếu không thăm khám và kiểm soát kịp thời, bệnh trĩ có thể gây ra các biến chứng như sau:
- Thiếu máu: Tình trạng chảy máu khi đại tiện kéo dài có thể gây thiếu máu. Nếu không xử lý đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến thiếu máu mãn tính khiến thể trạng suy nhược, xanh xao và mệt mỏi.
- Viêm tắc tĩnh mạch trĩ: Chảy máu ở búi trĩ kéo dài có thể khiến máu ứ đọng và gây ra viêm tắc tĩnh mạch trĩ. Tắc tĩnh mạch có thể làm gián đoạn quá trình tuần hoàn ở búi trĩ khiến cơ quan này bị đau đớn dữ dội trong khoảng vài ngày.
- Vỡ búi trĩ: Theo thời gian, lượng máu tồn đọng trong tĩnh mạch phình giãn có xu hướng tăng lên đáng kể. Đến một mức độ nhất định, búi trĩ có thể bị vỡ, gây chảy máu cấp tính và gây đau dữ dội.
- Nghẹt búi trĩ: Nghẹt búi trĩ thường xảy ra ở bệnh nhân bị trĩ nội có búi trĩ sa ra ngoài hoàn toàn. Lúc này, cơ thắt hậu môn co thắt liên tục khiến búi trĩ bị nghẹt, làm gián đoạn tuần hoàn máu và gây ra hiện tượng phù nề. Nghẹt búi trĩ có thể dẫn đến hiện tượng viêm, chảy máu và hoại tử nếu không được kiểm soát kịp thời.
- Rối loạn chức năng cơ thắt hậu môn: Cơ thắt hậu môn có chức năng co – giãn nhằm điều chỉnh hoạt động đại tiện. Tuy nhiên búi trĩ sa ra ngoài lâu ngày có thể khiến cơ thắt hậu môn bị suy yếu, dẫn đến tình trạng mất tự chủ khi xì hơi và đại tiện.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh hậu môn – trực tràng: Bệnh trĩ có thể làm tăng nguy cơ các bệnh lý như rò hậu môn, áp xe quanh hậu môn, nứt hậu môn và viêm nhiễm hậu môn trực tràng ở các hốc tuyến.
Chẩn đoán bệnh trĩ bằng kỹ thuật nào?
Bệnh trĩ được chẩn đoán chủ yếu thông qua thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám trực tràng nhằm xác định sự hiện diện của búi trĩ, đánh giá trương lực cơ thắt hậu môn và loại trừ một số nguyên nhân tiềm ẩn (ung thư trực tràng).
Sau đó bác sĩ có thể chỉ định thêm một số kỹ thuật chẩn đoán nhằm xác định nguyên nhân và mức độ phát triển của bệnh như:
- Yêu cầu bệnh nhân ngồi xổm và rặn đại tiện nhằm quan sát mức độ chảy máu và sa búi trĩ.
- Nội soi hậu môn – trực tràng để xác định loại trĩ (trĩ nội/ trĩ ngoại). Ngoài ra, kỹ thuật chẩn đoán này còn giúp phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn khác.
- Nếu nghi ngờ bệnh trĩ là biểu hiện của các bệnh lý khác, bác sĩ có thể yêu cầu thăm khám tổng quát.
Các phương pháp điều trị bệnh trĩ phổ biến
Bệnh trĩ chỉ được điều trị khi các triệu chứng gây khó khăn và phiền toái trong cuộc sống. Đối với những trường hợp trĩ nhẹ và chưa phát sinh biểu hiện lâm sàng, bác sĩ thường không yêu cầu điều trị y tế mà chủ yếu xây dựng lối sống và chế độ sinh hoạt khoa học.
1. Điều trị bằng thuốc
Đối với những trường hợp trĩ độ 1 – 2, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như:
- Thuốc nhuận tràng: Thuốc nhuận tràng có tác dụng tăng nhu động ruột, làm mềm phân và hạn chế táo bón. Thuốc được sử dụng nhằm giúp bệnh nhân dễ dàng khi đại tiện và hỗ trợ làm giảm áp lực lên vùng tĩnh mạch trực tràng – hậu môn.
- Thuốc điều hòa nhu động ruột: Đối với trường hợp bị trĩ do tiêu chảy kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều hòa nhu động để làm giảm tần suất đi tiêu, từ đó làm giảm ma sát và áp lực lên niêm mạc hậu môn.
- Thuốc đạn/ thuốc mỡ: Các loại thuốc này thường có chứa hydrocortisone nhằm giảm viêm và làm trơn ống hậu môn giúp phân dễ dàng thoát ra bên ngoài. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn có tác dụng che phủ và bảo vệ búi trĩ.
- Thuốc làm tăng trương lực tĩnh mạch: Thuốc làm tăng trương lực (Daflon, Disomine, Hesperidine) là các loại thuốc có tác dụng làm bền, giảm tính thấm mao mạch và hạn chế hiện tượng ứ máu ở búi trĩ. Các loại thuốc này được sử dụng nhằm bảo vệ vi tuần hoàn, ức chế tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chững vỡ búi trĩ.
- Thuốc chống viêm: Để giảm viêm ở vùng niêm mạc xung quanh búi trĩ, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc chống viêm như Ibuprofen, Diclofenac,… Trong trường hợp niêm mạc hậu môn sưng viêm nặng nề, có thể cân nhắc dùng corticoid liều thấp nhất có đáp ứng.
Ngoài thuốc Tây y, bạn có thể sử dụng các bài thuốc uống và thuốc dùng ngoài từ Đông y để giảm viêm, đau rát và ngăn chặn sự phát triển của búi trĩ.
2. Điều trị bằng các thủ thuật
Có đến 80 – 90% trường hợp bị trĩ phải điều trị bằng các thủ thuật xâm lấn. Các thủ thuật thường được áp dụng trong điều trị bệnh trĩ, bao gồm:
- Nong giãn hậu môn: Kỹ thuật này thường được chỉ định đối với bệnh nhân trĩ nội độ 1 nhằm cải thiện không gian của ống hậu môn và giảm áp lực trong quá trình đại tiện. Nong giãn hậu môn được thực hiện bằng gây tê khu vực hậu môn – trực tràng, sau đó sử dụng thiết bị chuyên dụng nới rộng ống hậu môn. Thống kê cho thấy, sau khoảng 30 ngày thực hiện có khoảng 35 – 40% trường hợp cải thiện triệu chứng rõ rệt.
- Chích xơ hóa búi trĩ: Thủ thuật này sử dụng dung dịch đặc biệt tiêm vào búi trĩ nhằm kích thích phản ứng xơ hóa, ép chặt các mạch máu và tăng độ kết dính giữa niêm mạc và hạ niêm mạc. Chích xơ hóa búi trĩ có tác dụng ngăn ngừa sa búi trĩ và hạn chế tối đa tình trạng xuất huyết.
- Áp lạnh búi trĩ: Biện pháp áp lạnh sử dụng nito hóa lỏng làm cho búi trĩ hóa đông. Sau đó búi trĩ bị hoại tử, teo dần theo thời gian và biến mất sau khoảng 6 – 8 tuần.
- Thắt búi trĩ bằng vòng cao su: Thủ thuật được này thực hiện bằng cách dùng vòng cao su đưa vào cổ búi trĩ, sau đó thắt lại nhằm ngăn chặn quá trình tuần hoàn. Khi thiếu máu nuôi dưỡng, búi trĩ sẽ có xu hướng hoại tử và rụng sau 5 – 7 ngày. Trong những trường hợp cần thiết, có thể kết hợp đồng thời với thủ thuật áp lạnh hoặc chích xơ búi trĩ.
- Một số thủ thuật khác: Ngoài ra, bệnh trĩ còn được điều trị bằng một số thủ thuật như thắt búi trĩ bằng chỉ, dùng laser, đốt nhiệt điện trực tiếp,…
Các thủ thuật xâm lấn thường ít gây đau, thời gian thực hiện nhanh gọn và đem lại hiệu quả từ 70 – 90%. Tuy nhiên các thủ thuật này chỉ thích hợp với trường hợp trĩ độ 1 hoặc độ 2 và hầu như không đem lại hiệu quả đối với người bị trĩ nặng.
3. Can thiệp phẫu thuật
Phẫu thuật được áp dụng đối với 10 – 20% trường hợp bệnh nhân bị trĩ nặng và không có đáp ứng với sử dụng thuốc hoặc can thiệp thủ thuật xâm lấn.
Các trường hợp được cân nhắc chỉ định phẫu thuật trĩ, bao gồm:
- Bệnh trĩ gây biến chứng huyết khối, nghẹt, hoại tử, viêm
- Trĩ gây chảy máu kéo dài và dẫn đến chứng thiếu máu mãn tính
- Trĩ sa lâu dày dẫn đến suy yếu cơ thắt hậu môn
- Bệnh trĩ kèm theo các bệnh hậu môn – trực tràng như viêm quanh hậu môn, nứt/ rò hậu môn
- Trĩ kết hợp sa niêm mạc trực tràng – hay còn gọi là trĩ vòng
Các kỹ thuật thường được áp dụng trong phẫu thuật búi trĩ, bao gồm:
- Phẫu thuật cắt đơn lẻ từng búi trĩ
- Phẫu thuật cắt toàn bộ vòng trĩ
Phẫu thuật là biện pháp điều trị triệt để bệnh trĩ và ít có nguy cơ tái phát như các thủ thuật xâm lấn. Tuy nhiên sau khi mổ trĩ, bạn có thể gặp phải một số biến chứng như són phân, hẹp hậu môn, đau rát hậu môn, nhiễm khuẩn, rối loạn tiểu tiện, chảy máu trong vài ngày, nghẽn mạch phổi,… Do đó chỉ nên can thiệp phẫu thuật khi có yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa.
Lối sống cho bệnh nhân trĩ nội – trĩ ngoại
Bên cạnh các phương pháp y tế, bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh nhằm giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh.
Cách xây dựng lối sống khoa học cho bệnh nhân bị trĩ nội và trĩ ngoại:
- Uống nhiều nước và tăng cường thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày. Các thói quen này có thể điều hòa nhu động ruột, làm mềm phân và làm giảm áp lực lên búi trĩ khi đại tiện.
- Nên tập thói quen đại tiện vào một khung giờ cố định trong ngày và hạn chế thói quen nhịn đi vệ sinh.
- Ngâm rửa hậu môn trước và sau khi đại tiện giúp giảm đau rát, khó chịu và hạn chế tối đa tình trạng chảy máu.
- Tuyệt đối không rặn khi đại tiện. Nếu gặp khó khăn khi đi tiêu, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn các loại thuốc hỗ trợ. Thói quen rặn khi đại tiện có thể khiến búi trĩ phát triển lớn và tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
- Lao động nặng có thể làm tăng áp lực lên khu vực trực tràng – hậu môn. Vì vậy cần hạn chế các hoạt động nặng nhọc trong thời gian điều trị.
- Thường xuyên tập thể dục giúp giảm táo bón và hạn chế rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, hoạt động thể chất còn giúp điều hòa tuần hoàn máu và duy trì cân nặng ở mức ổn định.
- Thay đổi một số thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị, ngồi quá lâu khi đại tiện, ngồi xổm,…
Bài viết đã tổng hợp các thông tin cần biết về bệnh trĩ – lòi dom. Nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình điều trị, bạn nên chủ động liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!