Hướng dẫn chữa ho bằng gừng đúng cách hiệu quả nhanh
Nội Dung Bài Viết
Biện pháp chữa ho bằng gừng có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Tuy nhiên hiện nay tác dụng giảm ho, tiêu đờm và ức chế virus gây nhiễm trùng của gừng đã được chứng minh trên cơ sở khoa học. Vì vậy bạn có thể áp dụng mẹo chữa này để giảm nhẹ tần suất – mức độ cơn ho và một số triệu chứng đi kèm.
Có nên dùng gừng chữa chứng ho?
Gừng là loại gia vị quen thuộc, có vị cay nồng và tính ấm. Gừng thường được dùng để tăng hương vị món ăn hoặc dùng kèm với các thực phẩm có tính lạnh để giảm nguy cơ “lạnh bụng” và tiêu chảy.
Theo y học cổ truyền, gừng tươi (sinh khương) có tác dụng làm ấm phế, tán phong hàn, chống buồn nôn, giải biểu (gây đổ mồ hôi) và giảm ho. Vì vậy gừng thường được nhân dân dùng để chữa ho do cảm lạnh, cảm cúm và một số bệnh lý hô hấp khác.
Ngoài ra theo một số nghiên cứu khoa học, tinh dầu và các hoạt chất trong gừng thực sự có tác dụng chữa bệnh – đặc biệt là các chứng bệnh về tiêu hóa và hô hấp.
Thành phần quan trọng nhất trong thảo dược này là Gingerol – có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa mạnh. Đặc biệt hoạt chất này có khả năng chống lại virus RSV (Respiratory syncytial virus) hay còn gọi virus hợp bào hô hấp. Loại virus này là nguyên nhân gây ra chứng cảm lạnh, cảm cúm và một số tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Với tác dụng này, gừng tươi có thể ức chế virus gây nhiễm trùng và giảm nhẹ các triệu chứng như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau cổ họng và đờm ứ.
Như vậy có thể thấy, dùng gừng chữa ho không chỉ là mẹo chữa dân gian mà còn được chứng minh trên phương diện khoa học. Hơn nữa thảo dược này còn có độ an toàn cao, thích hợp với nhiều đối tượng và không gây ra hiện tượng “lờn thuốc” như thuốc Tây.
Tuy nhiên gừng là thảo dược thiên nhiên nên tác dụng thường chậm nên khi áp dụng bạn cần thực hiện đều đặn, đồng thời cần kết hợp với thuốc điều trị trong trường hợp cần thiết.
Hướng dẫn 7 cách chữa ho bằng gừng giảm nhanh triệu chứng
Nhân dân thường dùng trà gừng ấm, xông hơi với gừng tươi hoặc kết hợp với mật ong, tỏi và quả lê để giảm chứng ho và một số triệu chứng đi kèm.
1. Chữa trị ho bằng trà gừng ấm
Dùng trà gừng ấm có thể làm dịu vùng cổ họng sưng đau, làm loãng đờm, dịu niêm mạc hô hấp và giảm chứng ho do lạnh. Ngoài ra uống trà gừng ấm còn giúp thông mũi, giảm triệu chứng chảy nước mũi, nghẹt mũi và đem lại cảm giác dễ chịu.
Tùy vào sở thích mà bạn có thể kết hợp gừng tươi với mật ong, chanh hoặc quế để gia tăng mùi vị và tác dụng chữa bệnh.
Hướng dẫn cách trị ho bằng trà gừng ấm:
- Thái lát 1 củ gừng tươi rồi cho vào tách
- Có thể cho thêm 1 – 2g vỏ quế
- Sau đó hãm với 200 – 300ml nước sôi trong khoảng 15 phút
- Thêm vào 2 thìa mật ong, khuấy đều và uống trực tiếp
2. Trị ho bằng quả lê và gừng
Quả lê có vị ngọt, chua nhẹ, tính mát, tác dụng tiêu đờm, thanh nhiệt, giảm ho và nhuận phế. Kết hợp gừng và quả lê có thể dứt nhanh cơn ho khan, ho gió, ho dị ứng và ho kèm theo đờm đặc. Ngoài tác dụng giảm ho, mẹo chữa này còn cải thiện một số triệu chứng đi kèm như nghẹt mũi, đau cổ họng, chán ăn và buồn nôn.
Hướng dẫn cách chữa ho bằng quả lê và gừng:
- Rửa sạch 1 quả lê, sau đó cắt phần cuống rồi dùng thìa nạo bỏ hạt
- Xắt gừng thành sợi mỏng rồi cho vào quả lê, có thể thêm vào 1 ít đường phèn
- Đem chưng cách thủy trong vòng 15 phút và để nguội bớt
- Khi ăn, nên dùng cả nước và cái
Gừng có vị cay nồng, hơi đắng nên có thể gây khó chịu khi uống. Trong trường hợp này, bạn có thể tham khảo một số cách chữa ho bằng quả lê.
3. Chữa ho bằng cách ngậm gừng tươi và muối
Với trường ho kèm đau rát cổ họng, đờm ứ nhiều, bạn có thể ngậm gừng tươi thái lát. Dịch chiết từ gừng tươi sẽ thẩm thấu vào niêm mạc hô hấp giúp làm dịu hiện tượng viêm, loãng đờm, giảm ho và đau rát vùng cổ họng.
Ngoài ra ngậm gừng tươi khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột còn có thể phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thường gặp như cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan, cảm cúm và viêm thanh quản.
Hướng dẫn cách thực hiện:
- Thái lát gừng tươi rồi tẩm với 1 ít muối
- Ngậm trực tiếp, ngày ngậm từ 2 – 3 lần hoặc hơn
- Người hay bị cảm lạnh nên ngậm gừng tươi khi đi ra ngoài để tránh phổi và cổ họng nhiễm lạnh
4. Chữa ho sổ mũi cho bé bằng cách xông gừng
Nếu trẻ bị ho kèm sổ mũi, phụ huynh có thể xông hơi gừng để loại bỏ dịch ứ ở mũi, làm thông cổ họng và giảm ho. Kết hợp xông hơi với gừng tươi và một số bài thuốc uống có thể dứt điểm cơn ho dai dẳng và cải thiện chức năng hô hấp cho trẻ.
Hướng dẫn cách chữa ho sổ mũi cho bé bằng gừng:
- Đun sôi khoảng 1 lít nước, sau đó cho 2 củ gừng đã thái lát vào
- Sau đó dùng khăn trùm đầu cho trẻ để xông hơi (nên dùng bịt mắt cho trẻ để tránh tình trạng khó chịu và chảy nước mắt khi xông)
- Xông hơi trong khoảng 15 – 20 phút
- Sau đó dùng tăm bông lấy hết dịch mũi bên trong
5. Chữa chứng ho cho bà bầu bằng gừng chưng đường phèn
Bà bầu thường xuyên bị ho, sổ mũi, nghẹt mũi do cảm trong những tháng đầu thai kỳ. Để giảm chứng ho, bạn có thể thực hiện gừng chưng đường phèn.
Đường phèn có vị ngọt thanh, tác dụng nhuận phế, tiêu đờm và thanh nhiệt. Kết hợp đường phèn và gừng có thể giảm chứng ho gió và ho khan ở mẹ bầu. Ngoài ra mẹo chữa này còn giảm nhẹ triệu chứng buồn nôn và nôn mửa do ốm nghén.
Cách làm gừng chưng đường phèn:
- Thái sợi khoảng 1 củ gừng rồi cho vào chén
- Thêm vào 1 ít đường phèn và đem hấp trong khoảng 5 phút
- Đem ra để nguội bớt rồi chắt lấy nước uống và ăn cả xác gừng để giảm ho, ngứa cổ họng
6. Kết hợp gừng và tỏi giảm ho do viêm phế quản
Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới nên ho thường có đặc tính dai dẳng và kéo dài hơn so với cảm lạnh, cúm và viêm họng. Vì vậy trong trường hợp ho do viêm phế quản, bạn nên kết hợp tỏi và gừng để gia tăng tác dụng điều trị.
Ngoài tác dụng của gừng, tỏi cũng có khả năng kháng khuẩn mạnh và tiêu đờm. Ngoài ra tỏi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, khoáng chất và vitamin cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch và phục hồi chức năng hô hấp.
Cách dùng gừng và tỏi chữa ho do viêm phế quản:
- Chuẩn bị 5 lát gừng tươi, 3 tép tỏi và ½ thìa đường đỏ
- Đem gừng và tỏi giã nát rồi đun sôi với 200ml nước
- Sau khi nước sôi thì hạ bớt lửa và đun thêm khoảng 10 phút
- Cho đường nâu vào, khuấy đều và tắt bếp
- Mỗi lần uống từ 2 – 4 thìa, ngày dùng 3 – 4 lần cho đến khi khỏi
7. Gừng chưng mật ong trị ho
Ngoài những cách trên, bạn cũng có thể giảm ho bằng cách chưng gừng và mật ong. Mật ong là thảo dược có tính kháng khuẩn mạnh, giảm viêm sưng cổ họng và tăng cường sức khỏe.
Mẹo chữa ho bằng gừng chưng mật ong có thể áp dụng cho người bị ho khan, ho có đờm và ho do dị ứng thời tiết, tiếp xúc với phấn hoa, lông chó mèo,…
Cách làm gừng chưng mật ong trị ho:
- Thái lát 1 củ gừng tươi rồi cho vào chén
- Thêm vào 2 – 3 thìa mật ong và đem hấp cách thủy trong khoảng 10 phút
- Đem ra để nguội rồi dùng cả nước lẫn cái
Xem thêm nội dung: Chữa ho bằng mật ong
Cần lưu ý gì khi chữa ho bằng gừng?
Cách chữa ho bằng gừng có thể giảm nhẹ mức độ – tần suất cơn ho và một số triệu chứng đi kèm khác. Mẹo chữa khá an toàn nên có thể áp dụng cho cả trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên để giảm thiểu rủi ro và một số tác dụng phụ khi dùng gừng trị ho, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Gừng có vị cay nên có thể khiến trẻ nhỏ khó chịu khi uống. Vì vậy bạn nên cho trẻ dùng gừng chưng đường phèn/ mật ong hoặc trà gừng ấm để giảm tình trạng nói trên.
- Mẹo chữa ho bằng gừng chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng. Vì vậy trong một số trường hợp cần thiết, bạn nên phối hợp cách chữa này với việc sử dụng thuốc.
- Không nên dùng gừng để chữa chứng ho do phế nhiệt (ho kèm chứng sốt cao, miệng khô và khát). Nên áp dụng mẹo chữa từ gừng cho trường hợp ho do nhiễm lạnh hoặc dị ứng.
- Gừng có tác dụng chống đông máu, vì vậy không nên sử dụng đồng thời với Aspirin và Coumarin.
- Phụ nữ mang thai có thể dùng gừng để giảm ho và ức chế virus gây nhiễm trùng. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều gừng vì thảo dược này có thể gây chảy máu bất thường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi.
- Tác dụng của cách chữa ho từ gừng còn phụ thuộc vào cơ địa và một số yếu tố khác. Vì vậy khi áp dụng mẹo chữa này, bạn nên giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi và ăn uống điều độ để hỗ trợ quá trình điều trị.
Chữa ho bằng gừng là biện pháp điều trị từ y học cổ truyền nhưng hiện nay đã được công nhận trên phương diện khoa học. Tuy nhiên thực tế cho thấy hiệu quả của mẹo chữa này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây ho và cơ địa của từng người. Vì vậy nếu ho do các bệnh lý nghiêm trọng, bạn nên thăm khám để được chẩn đoán và chỉ định thuốc điều trị.
Tham khảo thêm: 7 Cách chữa ho bằng quả quất giúp cắt đứt cơn ho nhanh chóng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!